Nấm ở Nha Trang

Trước đây, nấm chỉ được coi là một phụ gia của món ăn. Nhưng giờ đây, nấm đã trở thành món ăn chính, xuất hiện trên mâm cơm gia đình và trong các bàn tiệc. Mỗi loại nấm có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng để có thể thưởng thức nhiều loại nấm cùng một lúc thì chỉ có thể nghĩ đến… lẩu nấm, một món ăn đặc biệt chỉ có ở vùng Vân Nam – Trung Quốc và do dân tộc Hạ lưu truyền.

nam-nha-trang
Nấm Nha Trang

Năm 2005, trong một lần đi du lịch, vì “cảm” món ăn truyền thống của vùng dân tộc này mà ông Đào Thế Vinh – hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị chuỗi nhà hàng Lẩu nấm Ashima và những người bạn đã đưa món ăn độc đáo này về Việt Nam và ghi vào danh sách ẩm thực tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Từ đó, cùng với sự xuất hiện chuỗi nhà hàng Lẩu nấm thiên nhiên Ashima, người dân ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội bắt đầu nói đến trào lưu ăn món lẩu nấm. Những thực khách từ các nơi xa đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều không thể không ghé đến Ashima để thưởng thức món ăn hấp dẫn này. Chị Bích Phượng, Phó Giám đốc một công ty ở TP. Nha Trang cho biết: “Sau khi thưởng thức món lẩu nấm, tôi cứ ước sao chuỗi nhà hàng Lẩu nấm Ashima mở một nhà hàng ở Nha Trang để tôi cùng bạn bè có thể ăn thỏa thích bất cứ lúc nào.

Lẩu nấm Ashima có hơn 30 loại nấm được nhập từ Trung Quốc nhưng tôi rất ấn tượng với nấm gan bò, thịt nấm dày, vị thơm ngọt, vừa có tác dụng giải nhiệt vừa giúp tiêu hóa tốt. Đặc biệt, nước lẩu trong vắt, có vị ngọt của xương hầm và thơm mùi thuốc bắc, trong đó có loáng thoáng vài quả táo đỏ, những hạt kỳ tử đỏ tươi và rễ sâm tươi được cắt khúc. Chính những thành phần này đã làm cho món lẩu nấm có chất bổ dưỡng cao hơn những loại lẩu khác và tạo một cảm giác rất lạ khi thưởng thức…”.Hình như cũng vì “cảm” được tâm trạng của giới “sành ăn” ở Nha Trang, đầu năm 2008, nhà hàng Hoàng Gia ở đường Trần Phú, Nha Trang đã khai trương phục vụ món lẩu nấm. Tuy không phong phú và đa dạng các loại nấm như nhà hàng Lẩu nấm Ashima nhưng nhà hàng Hoàng Gia cũng đã thành công khi ghi thêm một món mới vào danh sách ẩm thực ở Nha Trang. Chị Bích Phượng nhận xét: “Lẩu nấm ở đây tuy không phong phú, đa dạng như của Ashima nhưng bước đầu đã đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân Nha Trang. Tuy nhiên, nhà hàng cần hướng dẫn nhân viên của mình giới thiệu cách dùng món lẩu nấm cho thực khách một cách bài bản hơn. Ví dụ như giới thiệu từng loại nấm kèm theo công dụng khác nhau để khách hàng lựa chọn. Sau đó là cách ăn sao cho ngon, nên bỏ loại nấm nào vào trước, loại nấm đó thích hợp với loại rượu nào…”.

Không chỉ là món ăn ngon, nấm còn được các y thư cổ đánh giá là thứ “ăn được, bồi bổ được, có thể dùng làm thuốc, toàn thân đều quý giá”. Trong giới sinh vật có gần 7 vạn loài nấm, nhưng chỉ có hơn 100 loài có thể ăn hoặc dùng làm thuốc, thông dụng nhất là mộc nhĩ đen, ngân nhĩ, nấm hương, nấm mỡ, nấm rơm, nấm kim châm, nấm trư linh, nấm linh chi, nấm hầu thủ… Ngoài giá trị cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nấm còn có nhiều tác dụng dược lý như: Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; kháng ung thư và kháng virus; dự phòng và trị liệu các bệnh tim mạch; giải độc và bảo vệ tế bào gan; hạ đường máu và chống phóng xạ; thanh trừ các gốc tự do và chống lão hóa… Ngoài ra, nhiều loại nấm ăn còn có tác dụng an thần, trấn tĩnh, rất có lợi cho việc điều chỉnh hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Như thể tiếp thêm trào lưu ăn lẩu nấm ở Nha Trang, giữa tháng 10-2008, trên đường Trần Quý Cáp, Nha Trang xuất hiện một cửa hàng chuyên bán nấm mang tên Hương Vị Nấm. Chủ cửa hàng là một chàng trai còn rất trẻ, học ngành Công nghệ thông tin, chẳng liên quan gì đến… nấm, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có sự tình cờ được tiếp xúc với thạc sĩ “nấm” – Thạc sĩ Cổ Đức Trọng (Trung tâm Nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu) – một trong những người có công lai tạo thành công loại nấm hầu thủ để chúng sống được trong môi trường Việt Nam mà Nguyễn Tri Huy (quản lý cửa hàng Hương Vị Nấm) quyết tâm đầu tư mở một cửa hàng chuyên về nấm để phục vụ nhu cầu ở Nha Trang. Hiện tại, cửa hàng Hương Vị Nấm mới bày bán 8 loại nấm tươi (nấm đùi gà, nấm linh chi nâu, nấm linh chi trắng, nấm sò, nấm bào ngư Nhật (giống Nhật trồng tại Việt Nam), nấm đông cô tươi, nấm kim châm, nấm mỡ và 2 loại nấm khô (nấm dược liệu và nấm ăn). Trong đó, nấm dược liệu có 3 loại là linh chi, vân chi và hàu thủ.