Tôi phải lòng Nha Trang ngay từ khi đặt chân xuống sân ga vùng biển mặn này một sáng tháng 11 mưa rả rích. Đồng hồ chỉ chưa đến 5h, cái lạnh se sắt của thành phố những ngày bão về len lỏi vào lòng, tê cóng lại nơi đầu ngón tay. Chúng tôi ngồi lại trên dãy ghế nhựa trong phòng chờ, nhìn xa hơn tầm mắt sân ga còn mờ sương, những đầu tàu nằm uể oải, những hành khách nói lời chia tay cuối trong vội vã. Một gia đình có vẻ như đang dọn đồ đạc chuẩn bị hành trình vào miền Nam xa xôi, lần lượt những chiếc xe máy khó nhọc được đưa lên toa hàng, hai ông bà lão sụt sùi ôm cô con gái và thằng cháu nhỏ quyến luyến không rời, một người đàn ông sùm sụp cái mũ len màu nâu đất lặng lẽ… Mọi thứ lãng đãng và nhạt nhòa trôi qua trước mắt hai đứa chúng tôi, như những bong bóng tái hiện một ngày rất xưa.
Tham khảo kinh nghiệm nhỏ trước khi phượt Nha Trang
Nha Trang đón chúng tôi, với miền quá khứ u buồn như thế đấy. Vậy mà, tôi yêu.
Trời còn lờ mờ sáng, với cơn mưa nhẹ đủ ướt nếu đi bộ chừng dăm ba phút, do đó chúng tôi quyết định bắt một chiếc taxi. Định về khách sạn nhưng thấy còn tương đối sớm, cô bạn đề nghị đi ăn sáng trước. Bún bò Nha Trang không đậm đà hương vị Huế, cũng không ngòn ngọt cái đặc trưng đất Sài Thành mà được biến tấu rất riêng, trong thanh có cái ngọt dịu, lại không nồng mùi mắm ruốc. Có một điểm tương đồng dễ nhận thấy giữa bún bò Nha Trang và Đà Lạt, chính là bún bò ở hai nơi này đều không ăn kèm với rau lặt, mà dùng chung với rau xắt ghém.
Xem thêm bài viết Nhớ mãi mùa đông Nha Trang tại đây
Tôi vốn là một tín đồ của bún bò Huế, phải lòng bún bò Sài Gòn với những cọng giá béo mũm, bắp chuối non hăng hắc và những cọng rau muống chẻ giòn, nhưng cứ hễ có dịp được thưởng thức một tô bún bò nóng hổi với đĩa rau xắt ghém tươi mơn mởn, là tôi lại thích mê tơi. Mưa dần thưa hạt hơn khi chúng tôi uống những ngụm sữa đậu nành thơm lừng cuối cùng trước khi khởi hành trở về nơi chúng tôi sẽ trú ngụ trong những ngày sắp tới.
Đang phân vân chưa biết sẽ lên đường bằng phương tiện nào, con bé bạn đã nhanh nhẩu nắm áo chị chủ quán hỏi đường. Chúng tôi không bất ngờ, nhưng lấy làm sung sướng khi biết từ chỗ chúng tôi về tới khách sạn chỉ một đoạn rất ngắn. Thế là sau khi say khí trời Nha Trang những ngày bão và no với bún bò và sữa đậu nành, chúng tôi quảy ba lô lên vai.
Viện Hải Dương Học nằm ở bờ gần vùng biển sâu trên Cầu Đá, gần cuối đường Trần Phú, nơi gặp gỡ hai dòng hải lưu nóng – lạnh. Chúng tôi đi ngang dọc các phòng ban, khu trưng bày với 20.000 mẫu vật của 4000 loài sinh vật biển của Đông Nam Á, mục tận sở thị bộ xương cá voi lưng gù dài 18 mét, nặng 18 tấn từng được khai quật tại tỉnh Nam Hà năm 1994, hay như bộ xương của nàng tiên cá đang trên bờ tuyệt chủng Dugong tìm thấy vào tháng 11-1997 tại Lò Vôi, Côn Đảo…
Chưa hết choáng ngợp với những mẫu vật quý hiếm trong cuốn từ điển khổng lồ của hệ sinh thái biển này, hai đứa lại mắt tròn mắt dẹt với mảng màu rực rỡ, phong phú chủng loại của gian trưng bày sinh vật trong bể nuôi ngoài trời.