Suối Ba Li

Cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 30km về phía Nam, suối Ba Li nằm trên địa bàn 2 xã Cam TânCam Hòa, huyện Cam Lâm (trước kia thuộc thị xã Cam Ranh).

suoi-ba-li
suoi-ba-li

Suối Ba Li bắt nguồn từ núi Chiến, là một trong hệ thống các suối Tranh, suối Thượng (núi Chà Pau), suối Rích, suối Cóc (núi Nhọn)… đổ nước về hồ chứa nước Cam Ranh. Người dân địa phương gọi tên hồ này theo tên con suối gần nó nhất là hồ Ba Li. Đây là một trong những hồ chứa nước lớn của miền TrungTây Nguyên. Trước khi có hồ chứa nước này, toàn bộ các suối trên đổ về sông rồi chảy vào đầm Thủy Triều, Cam Ranh.

Hồ Ba Li được xây dựng năm 1993 và hoàn tất năm 1997. Với diện tích lưu vực 59,4km2, đập cao 23,2m, hồ chứa 22,1 triệu m3 nước, cấp nước sinh hoạt cho 70.000 hộ dân và năng lực tưới tiêu theo thiết kế là 2.300 ha. Huyện Cam Lâm và thị xã Cam Ranh là vùng bán sơn địa, trên địa bàn hầu như ít có sông suối nào chảy qua nên toàn bộ điều kiện tưới tiêu phụ thuộc vào hồ chứa nước, nguồn nước từ các suối đổ về.

Suối Ba Li là điểm du lịch nổi tiếng của huyện Cam Lâm. So với các suối khác, đây là nơi thuận tiện đi lại, vui chơi cắm trại và vẫn còn tương đối hoang sơ nên đảm bảo được yêu cầu sinh thái, nghỉ ngơi, dã ngoại…
Có nhiều đường đi đến suối Ba Li. Từ trung tâm TP. Nha Trang theo đường 23-10, đi thẳng Quốc lộ 1A, đến địa phận huyện Cam Lâm, qua đường nhíp khoảng 1 km, có tấm bảng lớn chỉ đường vào Làng xã hội Cam Tân. Rẽ theo đường này đi khoảng 3km là đến suối Ba Li. Đường vào suối được láng nhựa, qua làng mạc, ruộng đồng, cảnh thôn quê đẹp, thanh bình, yên ả. Gần đến khu vực suối sẽ thấy hồ Ba Li. Không khí bắt đầu mát mẻ có lẽ do mặt thoáng của hồ rộng chăng? Từ đập tràn, mặt nước xanh mênh mông, lấp lánh, nhìn ngút mắt. Con đường chạy dài dọc theo hồ đi lên suối. Bên kia hồ là cánh rừng dày đặc, xanh um. Càng đi lên, không khí càng dịu. Vào địa điểm gửi xe máy, khách bắt đầu thả bộ xuống đập tràn, từ đây có nhiều con đường mòn rẽ nhánh lên suối. Đi theo những con đường mòn này vào rừng, chưa đến một cây số là có nơi để cắm trại.

Cái khác biệt của suối Ba Li so với nhiều suối khác đã đưa vào khai thác du lịch là dòng suối này có nhiều đường nhánh rẽ, do đó muốn qua bờ bên kia để cắm trại, khách phải lội qua các dòng nước này. Điểm đặc biệt nữa mà ở những nơi khác không thấy là ở đây có nhiều bãi cát (dạng bãi bồi) cho khách cắm trại, gần sát với mặt nước, tạo cho khách cảm giác giống như cắm trại bên bờ sông mà lại nghe tiếng nước đổ từ trên cao xuống.

Chọn một bãi cát bên kia suối, khách bắt đầu xắn quần lội qua. Tuy khoảng cách chỉ có 2m nhưng rất khó qua vì đá có nhiều rêu, dễ trơn trợt. Tuy nhiên, nước bên dưới không sâu lắm, chỉ đến quá đầu gối một chút. Chịu ướt thì qua cái một, còn không thì nhón nhén trên đá cho đồng đội kéo qua.
Bên kia “bãi bồi”, dưới một  tán cây to, bóng nắng hầu như chỉ xuyên qua lốm đốm. Nắng nhẹ và nhạt nên không sợ “cháy” da. Trải tấm bạt, đội hậu cần bắt đầu chuẩn bị. Gà làm sẵn, lấy gia vị ra ướp. Một nhóm khác đi kiếm củi khô. Trong chốc lát một con gà được nằm trên giàn nướng. Bếp ga mini nấu nồi lẩu gà lá… me hái trong rừng. Đồ ăn nguội mang theo… Thế là có bữa trưa đơn giản mà ngon!

Ăn xong, du khách du lịch có thể nằm lơ mơ trên đá một chút, hoặc thơ thẩn đâu đó xong tắm suối, chơi trò chơi, hay thám hiểm rừng… Rừng ở đây có một loài hoa màu trắng nhỏ xíu, mọc thành từng vạt, lấp lánh trong nắng, rất đẹp! Thậm chí bạn chỉ cần nằm trên một tảng đá và ngắm mây trời, nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót bên tai… cũng đã là một sự thư giãn tuyệt vời!

Đến chiều, thanh toán cho bằng hết số thức ăn còn lại, thu dọn “chiến trường” sạch sẽ, về lại phố. Hết một ngày được sống giữa thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim muông, nước chảy, mây trôi!

Hãy thử vui chơi suối Ba Li vào một ngày cuối tuần để tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng cho con người!